Tờ Telegraph (Anh) ngày 15/4 đưa tin, theo dữ liệu do truyền thông Mỹ tổng hợp, đồng rúp đã tăng giá 38% so với đồng đô la kể từ đầu năm, sau sự sụt giảm mạnh về niềm tin vào đồng tiền của Mỹ.
Mức tăng giá của đồng rúp đã vượt xa các đồng tiền có hiệu suất tốt ngay sau đó là đồng krona Thụy Điển và đồng franc Thụy Sĩ, lần lượt tăng 13% và 11%.
Đồng rúp thậm chí còn vượt qua vàng - một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống cho các nhà đầu tư trong thời kỳ biến động, đã tăng 23% kể từ đầu năm; còn bạc tăng 12%.
Các biện pháp kiểm soát vốn của Điện Kremlin đã ngăn cản các công ty nước ngoài chuyển tiền ra khỏi nước Nga, yêu cầu họ phải giữ tài sản trong các tài khoản đặc biệt, cũng góp phần đẩy giá đồng rúp lên cao. Ảnh: Reuters
Theo Telegraph, sự gia tăng giá trị của đồng tiền Nga diễn ra khi đô la Mỹ chịu áp lực từ chính sách thương mại của Tổng thống Trump – động thái làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, đồng rúp được hỗ trợ bởi lãi suất cao kỷ lục là 21% khi Ngân hàng Trung ương Nga nỗ lực kiềm chế lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế thời chiến đang gặp khó khăn của nước này.
Các biện pháp kiểm soát vốn của Điện Kremlin đã ngăn cản các công ty nước ngoài chuyển tiền ra khỏi nước Nga, yêu cầu họ phải giữ tài sản trong các tài khoản đặc biệt, cũng góp phần đẩy giá đồng rúp lên cao.
Nhà kinh tế Sofya Donets tại công ty đầu tư T-Investments (Anh) cho biết: “Không giống như nhiều loại tiền tệ của thị trường mới nổi, đồng rúp không phải chịu áp lực từ dòng vốn chảy ra, do các nhà đầu tư toàn cầu rút khỏi các thương vụ rủi ro hơn.”
“Các biện pháp kiểm soát vốn phần lớn đã bảo vệ Nga khỏi điều này”, bà nói thêm.
Telegraph đưa tin, đồng rúp tăng giá, bất chấp lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây đối với Nga, diễn ra khi các loại tiền tệ trên toàn thế giới tăng giá so với đồng đô la sau khi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng làm gia tăng nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ.
Jamie Dimon - giám đốc điều hành tập đoàn tài chính JP Morgan (Mỹ) - cho biết suy thoái là "kết quả có thể xảy ra"; trong khi Larry Fink - ông chủ của công ty quản lý tài sản BlackRock (Mỹ) - nhận định nền kinh tế Mỹ có thể đã suy thoái.